Bỗng một hôm, em gái tôi gọi:
– Anh ơi, có con gì đẹp quá! Tôi nhìn theo tay em tôi trỏ. Trên những chùm quả nhãn bé tí xíu màu xanh xỉn, nổi bật lên những con gì to bằng vẩy ốc vặn, màu vàng sẫm sặc sỡ. Chúng đứng yên, không cụ cựa. Tôi bắc ghế, trèo lên xem. Hóa ra đó là những thằng bọ xít con. Chúng im lặng cắm vòi vào những cuống non đang nuôi các quả nhãn, ra sức hút nhựa. Chúng lớn nhanh trông thấy, người mập ứ, căng bóng, đôi râu lờ đờ khẽ rung rung, vẻ thỏa mãn no nê lắm. Hàng loạt quả nhãn đã vì lũ bọ xít mà bị thui chột. Nhưng cây nhãn đâu có chịu thua. Như một bà mẹ thương con, cây nhãn dồn tất cả sữa ngọt sữa ngon của mình lên các chùm quả.
Thế là quả lớn như thổi. Bằng hạt ngô. Rồi bằng hòn bi. Tron. Và đều, chắc. Những quả nhãn to đầy sữa mẹ ngày lại ngày dầm mưa hè, phơi nắng hè, đã chín ngọt. Lũ bọ xít chưa buông tha đâu. Chúng đã lớn bằng đầu ngón tay cái, sạm mốc như quả ô mai trắng những muối, vè vè bay đi châm hút các trái nhãn chín và sửa soạn để lại những lứa trứng độc hại cho mùa sau. Ghét lũ bọ xít quá, tôi rủ em tôi, hai đứa lấy cái cần câu của anh tôi ra vụt chúng. Nhưng mà chẳng xuể. Một hôm, đang chơi ở gốc nhãn, tôi nghe tiếng cánh bọ xít đập rè rè và thấy mấy cái lá nhãn khẽ đung đưa. Ồ, một chú bọ ngựa đang dùng dao kẹp chặt cổ một thằng bọ xít! Kẹp mạnh vào! Mạnh nữa đi! Thế! Thế! Hoan hô… ô… ô… Bọ ngựa chém nát đầu bọ xít, rồi buông dao ra.
Con vật hôi hám rơi quay lơ xuống đất. Bọ ngựa lấy môi nhằn nhằn hai thanh dao, như để rửa mùi hôi, đứng lắc lư một lát, rồi lặng lẽ ra đi. Cây phượng bên sân đã tắt những chùm hoa đỏ từ bao giờ và đang nghịch ngợm thè ra những cái lưỡi xanh mềm. Đã bặt cả tiếng ve. Và đã tới ngày hái nhãn. Tôi được phép bắc ghế đứng xem anh tôi và chú tôi hái nhãn, tất nhiên là được phép nhặt những quả nhãn rụng. Tôi bỗng thấy ở cành này cành kia còn dính lại những cái xác bọ ngựa trăng trắng, như các cỡ áo từ nhỏ đến lớn bọ ngựa đã cởi ra gửi lại trên cây. Ôi, anh bạn bọ ngựa yêu quý của tôi! Bạn đã mấy lần lột xác để lớn nhanh, lớn thi với bọ xít, để góp sức đuổi diệt chúng. Từ đó, mỗi lần ăn nhãn, tôi lại nhớ đến những cái áo bọ ngựa nhỏ nhoi, trắng nhẹ, gửi lại trên cây nhãn ngồn ngộn những quả ngon lành.
…
Phải kể thêm với các bạn là xóm nhà tôi ở sát chân núi Ba Vành, mà hồi đó hổ đi rình mồi quanh các nhà cứ như cơm bữa. Con chó con đang bú mẹ, chưa mở mắt đã trở thành mồ côi. Anh em tôi thay nhau nấu cháo nuôi nó, chăm bẵm nó. Nhà có cái ghế mây hỏng, mặt ghế thủng, chúng tôi buộc những sợi mây lướp tướp thành cái ổ trũng lót thêm giẻ rách, để con chó con ngủ. Con Vàng bé – tôi cũng đặt tên nó là Vàng – lớn rất nhanh. Khi nó đã mở mắt, tôi bế nó ra sân nắng cho nó tập bò. Nó bò quờ quạng, run rẩy, vừa bò vừa rên “ứ ứ” rồi bỗng chốc ngã kềnh ra. Tội nghiệp, giá như còn con mẹ thì lúc này mẹ nó đã cuống quýt chạy đến, hít ngửi nó, hôn nó, liếm đầu nó, rồi âu yếm nằm xuống chìa bầu vú căng phồng ra cho nó tha hồ bú tí…
Thế nhưng nó làm gì còn mẹ! Anh em tôi thay mẹ nó, cố nuôi cho nó khôn lớn. Tôi cho con Vàng ăn nước cháo, rồi cháo đặc, rồi cơm nát, rồi cơm thường – tất nhiên, thỉnh thoảng cũng thêm tí bì lợn hoặc ít thịt bạc nhạc cho có chất. Con Vàng ăn khỏe và lớn thật mau. Nó biết đi vững, rồi biết chạy. Tôi làm cho nó một cái ổ bằng bao tải ở ngay chân giường tôi nằm.
Đêm tôi xích nó lại, không cho ra ngoài vườn, vì nó làm sao biết được quanh vùng này có hổ. Con Vàng càng lớn càng thật sự là bạn của anh em tôi. Đi học về, đùa với nó vui lắm. Lấy tay nhử nó, nó nhảy cỡn lên kêu ăng ẳng. Cái đuôi nó vẫy tíu tít, đôi mắt nó nhìn chăm chắm, cái đầu nó ngúc ngoắc, phải nói là đầy tình cảm, chỉ có điều nó không nói được tiếng người mà thôi. Một buổi sớm, lần đầu tiên tôi bế con Vàng ra vườn. Sao mấy luống rau cải của mẹ tôi bị dập nát thế kia? Lại mấy cây nứa rào vườn bị xô dạt đi nữa. Đúng rồi, đêm qua hổ lại về rình. Đấy, lốt chân của ông mãnh đây, to tướng bằng miệng bát chiết yêu một, vòng vòng quanh dãy chuồng lợn chuồng gà.
Tôi đang xem xét lối đi của hổ thì thấy buồn buồn sau gót. Thì ra con Vàng đang run rẩy nép vào chân tôi. Có lẽ nó đánh hơi thấy mùi ông chúa sơn lâm để lại, nên nó sợ. Đã thế, tôi phải tập cho nó thuộc mùi hổ, để nó biết mà tránh. Tôi bế con Vàng, dí mũi nó vào lốt chân cọp. Con Vàng ngửi, lùi lại, rồi lại ngửi.
Bỗng nó nghếch đầu lên sủa những tiếng sủa đầu tiên trong đời nó, vừa nón nớt vừa dữ tợn. Đôi mắt nó long lên, hàm răng nhọn nhe ra trắng nhởn. Tôi bỗng nổi gai ốc, thương và lo cho số phận của con chó mồ côi. Hay là có linh tính gì báo cho nó biết mẹ nó đã bị hổ vồ? Hôm sau, con Vàng nằm bẹp và bỏ ăn. Tôi phải vỗ về nó mãi. Được hơn một năm tuổi, con Vàng béo mượt và tròn lẳn, y như mẹ nó ngày trước. Những ngày thứ năm, chủ nhật, nó không bao giờ rời gót chân anh em tôi. Bắn chim bắn súng cao su, chúng tôi hạ con nào, dù rơi vào bụi gai, Vàng cũng sục tìm ngoạm về cho chủ bằng được.
Mùa lũ, nước sông Đà cuồn cuộn đỏ ngầu, tôi ném một khúc củi vào vòng nước xoáy, lập tức Vàng nhảy ào xuống vật lộn với sóng tha khúc củi về trao tận tay tôi. Nó rất hiền, nhưng khó có con chó nào bắt nạt được nó. Kìa, con chó Nhật hung hăng hống hách của lão cẩm Tây. Chỉ cần tôi lấy chân lăng chiếc guốc làm hiệu là Vàng xô đến như một cơn lốc, cắn và đuổi con chó Nhật chạy đến không kịp thở. Thế đấy, đối với chúng tôi, con Vàng thân thiết và đáng tin cậy biết chừng nào. Dần dần, chúng tôi đưa nó đi chơi xa. Xuống bến Ngọc, ăn táo nhà mế Tiêu. Ra bãi cát bờ sông, nhảy nghịch. Qua đò, sang Phương Lâm, bắt dế chọi ở các ruộng ngô. Vào rừng thông, đào đầu đạn lính khố xanh bắn tập, hoặc lấy đất sét về nặn đồ chơi. Đi tắm suối Trì bắt ba ba núi. Leo tắt lên tận đỉnh núi Ba Vành…
Đi đâu, đến đâu con Vàng cũng xông xáo và lập được công. Ví dụ, một lần nó chộp được con chồn, lần khác nó sủa giúp chúng tôi tránh được con rắn khô mộc. Hôm ấy, mải đi lùng hái quả mè – thứ quả chua chua chát chát, để lại vị ngọt trong họng, trẻ con rất thích ăn – chúng tôi trèo lên núi Con Cóc, rồi đi sâu mãi vào rừng.
Bỗng nhiên con Vàng gầm gừ rồi vừa sủa vừa cúp đuôi chạy lùi lại. Chúng tôi theo hướng chó sủa, thấy một đám to như bọt xà phòng và cây cỏ ngã rạp, chưng tỏ có con hổ lớn đã nằm ngủ ở đây. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi rút lui mau chóng, không cả ngoái đầu lại. Lần này, lại có công của con Vàng.
Thế nhưng, từ hôm ấy, tính nết con Vàng thay đổi hẳn. Nó ăn uống thất thường, thỉnh thoảng lại ngửa cổ tru lên như chó sói. Khoảng một tuần sau, đang đêm Vàng cắn đứt dây buộc cổ, chạy ra vườn. Tôi giật mình thức giấc nghe tiếng nó sủa gằn, rồi tiếng huỳnh huỵch vật lộn rất dữ. Tôi bàng hoàng cả người, biết là chuyện gì đã xảy ra. Sớm sau, đúng ở khoảng vườn trước kia mẹ con Vàng đã bị hổ vồ, thấy những vết móng cào ngang dọc mặt đất, vài vệt máu còn tươi và một đám lông để lại. Trời ơi, đúng là lông con Vàng, con chó đáng thương và yêu quý của tôi! Tôi nén khóc, cẩn thận nhặt đám lông và cạo hết chỗ đất thấm máu, bỏ vào cái ống bơ, chôn bên gốc mít, coi như là mộ con Vàng. Các bạn đừng cười, hầu như suốt tháng ấy, chủ nhật nào tôi cũng thắp hương cầu cho con Vàng được gặp mẹ nó, và khấn sao lão hổ độc ác kia phải có ngày nát thịt tan xương. Chắc không phải do tôi khấn, ba tháng sau bác Mẻo người Mường bắn chết một con hổ cực to, tai bên trái của nó rách một miếng như bị cắn.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mùi vị quê hương |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Tâm sự bạn đọc, Truyện teen |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 17/11/2020 11:39 (GMT+7) |